23/9/2024

SỬA LUẬT, GIỮ "ĐẠI BÀNG"

SỬA LUẬT, GIỮ "ĐẠI BÀNG"

Đầu năm 2023, khi làm việc với một công ty luật tại Bắc Kinh, tôi được một đồng nghiệp chia sẻ: có những dự án đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc chỉ cần dưới 30 ngày là hoàn thành các thủ tục để doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện.

Là luật sư tư vấn về đầu tư, đất đai và đã "quen" với các dự án phải mất hàng năm để xin đủ loại giấy phép cần thiết trước khi triển khai xây dựng tại Việt Nam thì thời hạn 30 ngày như đồng nghiệp kia nói làm tôi không khỏi ngạc nhiên.

Thủ tục đầu tư của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn còn rất phức tạp, thời gian kéo dài.

Để có thể khởi công xây dựng, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều bước về quy hoạch, môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy... Mỗi thủ tục có một, hoặc một số cơ quan khác nhau thẩm định, phê duyệt với thời gian cũng không giống nhau. Do tính tuần tự - thủ tục này là "đầu vào" của thủ tục khác - quy trình này, vốn đã chậm có thể càng chậm hơn, nếu mọi việc đột nhiên bị tắc lại ở một bước nào đó. Vì thế, không có gì lạ khi có những doanh nghiệp mất hàng năm, thậm chí lâu hơn, cho phần khởi động dự án.

Sau đại dịch Covid-19, với sự dịch chuyển của dòng vốn, không ít nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về việc thu hút vốn đầu tư giữa các quốc gia, tiến độ phê duyệt dự án như hiện nay có thể khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội.

Thủ tục đầu tư "siêu tốc" có thể hiện thực hóa ở Việt Nam nếu quy định trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Dự thảo Luật đề xuất áp dụng phương án đặc biệt, giống như cơ chế thủ tục "luồng xanh" trong lĩnh vực Hải quan, với một số dự án tại địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; dự án thuộc danh mục công nghệ cao...

Đây là một hướng tiếp cận mới, thay đổi cơ bản trong việc quản lý nhà nước về đầu tư. Cơ chế đặc biệt này không dành cho tất cả mà chỉ áp dụng với các dự án thuộc lĩnh vực cần thu hút đầu tư. Cơ chế "xin-cho" được chuyển thành đăng ký đầu tư với các nội dung cam kết, từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Khi áp dụng cơ chế trên, nhà đầu tư có thể không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, phê duyệt về: xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy...

Quy định trên nếu thành hiện thực có thể tạo sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư chiến lược. Điều này khiến tôi nhớ lại cụm từ mà các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư thường đề cập - "dọn tổ cho đại bàng".

Liên quan đến các thủ tục đầu tư nhưng ở một khía cạnh khác là câu chuyện khơi thông các dự án bị "tắc" thời gian qua.

Không có "đại bàng" (doanh nghiệp lớn nước ngoài) như câu chuyện ban đầu, các doanh nghiệp mà tôi biết trong câu chuyện sau chủ yếu là "chim sẻ", cũng đang muốn làm tổ cho mình.

Cách đây không lâu, khi rà soát pháp lý dự án trong lĩnh vực bất động sản cho doanh nghiệp tại một tỉnh miền Trung, tôi nhận thấy có 3 trong tổng số 5 dự án nhà ở của doanh nghiệp đang "nằm im" hơn ba năm nay vì vướng mắc liên quan đến việc tuân thủ pháp luật về đầu tư, đất đai.

Kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm với các dự án này do: địa phương đã không đấu thầu, đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư, hoặc vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất - những nguyên nhân không mới và xuất hiện ở rất nhiều địa phương, nhiều dự án.

Sau kết luận thanh tra, cả doanh nghiệp và địa phương ở vào thế tiến thoái lưỡng nan: thực hiện tiếp cũng không được mà thu hồi để lựa chọn lại nhà đầu tư từ đầu cho đúng luật cũng không xong, vì nhà đầu tư đã bỏ nhiều tiền để triển khai dự án, bồi thường về đất đai. Việc thu hồi dự án để lựa chọn lại nhà đầu tư cũng không dễ, bởi ai cũng hiểu chọn nhà đầu tư là do cơ quan địa phương thực hiện. Giờ "xóa cờ chơi lại từ đầu" chẳng khác nào địa phương thừa nhận mình làm sai, rất dễ bị các doanh nghiệp kiện lại. Nhưng làm thế nào để xử lý dứt điểm đối với các dự án này thì lại không dễ dàng, ngay cả với các quy định pháp lý mới được ban hành thời gian qua.

Từ trải nghiệm bản thân, tôi nhận thấy giữa các văn bản pháp luật còn có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo. Trong khi đó, hoạt động đầu tư liên quan đến rất nhiều văn bản luật và nhiều lĩnh vực do các Bộ khác nhau quản lý. Để tuân thủ đúng các trình tự đầu tư là điều không dễ dàng. Tất nhiên, cũng không loại trừ tiêu cực từ việc lợi dụng sự chồng chéo hoặc sơ hở của luật pháp.

Quy trách nhiệm và xử lý cán bộ công chức làm sai thì dễ nhưng điều quan trọng là cần có giải pháp để tháo gỡ hoặc giải quyết dứt điểm cho các dự án như trên, để nguồn lực của doanh nghiệp đã đầu tư được khơi thông kịp thời.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 963 thành lập tổ công tác rà soát và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.

Đây có thể là chìa khóa giúp cho các dự án "treo" có hy vọng được tháo gỡ.

Cơ chế đầu tư đặc biệt để chào đón "đại bàng" cùng chính sách thí điểm tháo gỡ cho dự án đầu tư đang "đắp chiếu" của "chim sẻ" nếu được triển khai tốt sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Tác giả: Luật sư - Giám đốc Pháp chế công ty WeLand: Ông Phạm Thanh Tuấn

Bài viết đăng trên báo VNEXPRESS ngày 24/09/2024 – Link: https://vnexpress.net/sua-luat-giu-dai-bang-4796200.html

điền thông tin chi tiết của bạn để tải xuống báo cáo

Cảm ơn bạn đã đăng ký!
TẢI XUỐNG
Oops! Something went wrong while submitting the form.

Tất cả bài viết

"ĐẾM NHÀ" TRONG TAY DÂN

"ĐẾM NHÀ" TRONG TAY DÂN

Theo tôi mấu chốt vấn đề ở chỗ Nhà nước cần xem xét ban hành thuế với người sở hữu từ bất động sản thứ hai trở đi hoặc áp dụng thuế căn cứ vào thời gian sở hữu. Người sở hữu nhiều bất động sản sẽ chịu thuế cao hơn người sở hữu ít. Thời gian sở hữu càng ngắn khi chuyển nhượng thuế càng cao và ngược lại.
BẢN TIN PHÁP LÝ & TÀI CHÍNH WEREPORT SỐ 4/2023

BẢN TIN PHÁP LÝ & TÀI CHÍNH WEREPORT SỐ 4/2023

Thị trường Bất động sản luôn có những biến động cùng với sự thay đổi của các chính sách tài chính và pháp lý. Trong Bản tin Pháp lý & Tài chính WeReport số 4, chúng tôi xin gửi đến Quý đối tác những góc nhìn và phân tích từ các chuyên gia đầu ngành của WeLand về các vấn đề như sau:
BẢN TIN PHÁP LÝ & TÀI CHÍNH WEREPORT SỐ 3/2023

BẢN TIN PHÁP LÝ & TÀI CHÍNH WEREPORT SỐ 3/2023

Thị trường Bất động sản luôn có những biến động cùng với sự thay đổi của các chính sách tài chính và pháp lý. Trong Bản tin Pháp lý & Tài chính WeReport số 3, chúng tôi xin gửi đến Quý đối tác những góc nhìn và phân tích từ các chuyên gia đầu ngành của WeLand về các vấn đề như sau:
BẢN TIN PHÁP LÝ & TÀI CHÍNH WEREPORT SỐ 2/2023

BẢN TIN PHÁP LÝ & TÀI CHÍNH WEREPORT SỐ 2/2023

Tiếp nối Bản tin Pháp lý & Tài chính WeReport số 1 đã được ra mắt và đón nhận, WeLand xin trân trọng gửi đến Quý đối tác: WeReport số 2 năm 2023 – Bản tin Pháp lý và Tài Chính Bất động sản được thực hiện bởi những chuyên gia đầu ngành của WeLand.